Linh hoạt hơn trước biến động lãi suất
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện khá đa dạng, gồm góp vốn thành lập doanh nghiệp khác; cho vay; đầu tư trái phiếu chính phủ, cổ phiếu; gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Năm 2022, danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm được phân bổ như sau: tiền gửi tại các tổ chức tín dụng chiếm 44,28%; trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương chiếm 35,91%.
Với đặc thù bán các sản phẩm hiểm có thời hạn ngắn nên danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thường tập trung chủ yếu vào tiền gửi và trái phiếu, chiếm khoảng hơn 80%; còn lại là cổ phiếu, bất động sản…
Lợi nhuận từ hoạt động tài chính có thể tác động mạnh lên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm là bởi các doanh nghiệp này luôn sở hữu một lượng lớn tiền mặt. Các quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành từ ngân hàng trung ương sẽ tác động trực tiếp lên khả năng sinh lời trên tổng tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm. Với lợi thế về lượng tiền mặt ròng, ngành bảo hiểm sẽ trực tiếp hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất huy động tăng.
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, lãi suất ngân hàng tăng lên nhanh chóng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hưởng lợi. Theo báo cáo tài chính đã công bố từ 13 công ty bảo hiểm niêm yết, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này trong quý III/2023 đạt 1.251 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nếu so với quý trước đó, lợi nhuận ngành bảo hiểm đã giảm 13,2%. Hoạt động tài chính có lãi lớn trong ba quý đầu năm 2023 đã hỗ trợ cho đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm. Cụ thể, tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2023 của 13 công ty trên đạt 4.185 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ 2022.
Việc duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm trong quý cuối năm 2023 sẽ gặp không ít thách thức khi mặt bằng lãi suất giảm mạnh.
Trước đó, chia sẻ với các cổ đông, ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm BIDV (BIC) cho hay, Công ty duy trì ổn định đầu tư tiền gửi vào các ngân hàng tốt nhất, tập trung khai thác cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất, đồng thời cẩn trọng trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Trong khi đó, chia sẻ về chiến lược dài hạn đến năm 2025, Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) xác định sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư để đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao, mà vẫn tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng và rủi ro đầu tư để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn.
Cùng với việc linh hoạt chiến lược đầu tư, trước tình hình kinh tế nhiều biến động, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng quyết liệt hơn trong việc cắt giảm chi phí. Giải trình biến động kết quả kinh doanh quý III/2023 tại báo cáo tài chính riêng, Bảo hiểm Bưu điện cho biết, lợi nhuận sau thuế quý III năm nay đạt hơn 38 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 169 tỷ đồng) là do chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 43% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm giảm hơn 96 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước…
Nhưng đề cao nguyên tắc an toàn
Hiện nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư, chứ không tới từ hiệu quả kinh doanh bảo hiểm gốc, nên việc quy định “mở cửa” cho hoạt động đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều nguồn lợi nhuận mới cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Dẫu vậy, là ngành kinh doanh có đặc thù riêng, nên quan điểm xuyên suốt của các doanh nghiệp bảo hiểm là đầu tư an toàn.
Tuy nhiên, khác với khối phi nhân thọ, cơ cấu đầu tư chủ yếu là tiền gửi, với khối bảo hiểm nhân thọ cơ cấu đầu tư được phân bổ 80% vào tiền gửi tại các tổ chức tín dụng và trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm; 20% còn lại đầu tư vào cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm và một phần nhỏ vào bất động sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khối này cũng khá linh hoạt trong các hoạt động đầu tư, tùy theo biến động của thị trường.
Báo cáo tài chính bán niên 2023 của Dai-ichi Life Việt Nam cho thấy, tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Dai-ichi Life đạt 62.368 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Chiếm phần lớn trong số đó là các khoản đầu tư tài chính, với 5.954 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn và hơn 40.010 tỷ đồng tài chính dài hạn.
Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn của Dai-ichi Life, tiền và các khoản tương đương tiền giảm tới 40% so với hồi đầu năm, xuống 5.439 tỷ đồng, bao gồm hơn 624 tỷ đồng tiền mặt và gần 4.815 tỷ đồng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng có kỳ hạn dưới 3 tháng, đầu tư vào chứng khoán tăng nhẹ, với gần 2.000 tỷ đồng; 2.501 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng tới 1 năm. Trong cơ cấu đầu tư dài hạn của Công ty, có hơn 39.951 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 1 năm; 29.241 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu chính phủ và gần 8.418 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp… Các khoản đầu tư đã mang về cho doanh nghiệp này 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm 2023.
Báo cáo tài chính bán niên 2023 của Manulife Việt Nam cho thấy, cuối tháng 6, tổng tài sản của Công ty đạt 111.544 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn là 90.637 tỷ đồng, tăng gần 7%.
Với các khoản đầu tư ngắn hạn, giá trị đầu tư cổ phiếu ghi nhận hơn 9.570 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Công ty đã đầu tư hơn 9.561 tỷ đồng vào cổ phiếu niêm yết, phần còn lại đầu tư vào cổ phiếu trên UPCoM. Manulife đã phải trích lập dự phòng 392 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu. Ngoài ra, Công ty đang gửi hơn 11.840 tỷ đồng tại ngân hàng, bằng cả VND và USD, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Với các khoản đầu tư dài hạn, Manulife đang nắm gần 67.560 tỷ đồng trái phiếu, tăng 11% so với đầu năm; trong đó, hơn 11.429 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính quyền địa phương. Khoản đầu tư trái phiếu đã mang về cho công ty này khoảng 1.600 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm nay…
Như vậy, với khối bảo hiểm nhân thọ, dù hoạt động kinh doanh bảo hiểm không mấy sáng sủa nhưng hoạt động đầu tư vẫn có nhiều điểm sáng.
Căn cứ khoản 2, Điều 99, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, việc đầu tư vốn của doanh nghiệp bảo hiểm cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
Bảo đảm an toàn, thanh khoản, hiệu quả; tuân thủ quy định pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư;
Dự phòng nghiệp vụ chỉ được đầu tư tại Việt Nam, trừ một số trường hợp;
Không được vay để đầu tư, ủy thác đầu tư vào chứng khoán, kinh doanh bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác;
Không được đầu tư quá 30% nguồn vốn đầu tư vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau. Quy định này không áp dụng với việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập doanh nghiệp hoặc thành lập chi nhánh tại nước ngoài;
Không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông, thành viên góp vốn hoặc người có liên quan với cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ tiền gửi tại các cổ đông, thành viên là tổ chức tín dụng;
Không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành;
Trường hợp ủy thác đầu tư, tổ chức nhận ủy thác phải được cấp phép thực hiện hoạt động nhận ủy thác đầu tư phù hợp với nội dung nhận ủy thác đầu tư.
Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm không được thực hiện các hoạt động đầu tư vào kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.
Kể từ năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm được tự do kinh doanh, đầu tư ngoài những lĩnh vực cấm.
Một đột phá nữa đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm là từ năm 2023 không cấm đầu tư ra nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện về tài chính và quản lý ngoại hối. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập hoặc góp vốn thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài; mua bán chứng khoán, các giấy tờ có giá hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài… Song để bảo đảm an toàn, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, trong mỗi lĩnh vực, doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư một tỷ lệ cụ thể để phân tán rủi ro, tránh trường hợp “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.