Không thể giải quyết hồ sơ không đủ cơ sở
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, trước việc một số khách hàng SCB nộp khiếu nại và được hoàn tiền mua bảo hiểm, nhiều công ty bảo hiểm khác cũng liên tục nhận được yêu cầu đòi hủy hợp đồng để được hoàn tiền, cho dù các doanh nghiệp có đầy đủ bằng chứng chứng minh những khách hàng này đã được tư vấn rõ ràng và hiểu về sản phẩm mà họ mua trước đó.
Cụ thể, một số khách hàng được công ty bảo hiểm gọi điện thoại chào mừng và xác nhận nhu cầu tham gia bảo hiểm là có thực. Tuy nhiên, sau 1-2 năm đóng phí đầy đủ, khách hàng bất ngờ gửi đơn khiếu nại đến công ty bảo hiểm yêu cầu chấm dứt hợp đồng và hoàn trả lại các loại phí đã đóng với lý do trước đây không được tư vấn đầy đủ. Sau khi làm việc và xác minh, công ty bảo hiểm phát hiện khách hàng này muốn chấm dứt hợp đồng để tham gia bảo hiểm tại một công ty khác. Với những trường hợp khiếu nại không có cơ sở rõ ràng như vậy, công ty bảo hiểm khó có thể thuận theo khách hàng để hoàn trả lại phí.
Cũng có trường hợp khách hàng yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm dù đã đóng phí từ năm thứ 3 trở lên, cuộc gọi chào mừng xác nhận mua bảo hiểm, xác nhận được tư vấn đầy đủ, giấy tờ, hợp đồng, chữ ký… đều không có dấu hiệu vi phạm. Có khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, đã rút phần giá trị đầu tư và bán đi khi giá quỹ tăng để sinh lãi, sau đó vẫn xin hủy hợp đồng và hoàn phí, thậm chí có người mua sản phẩm bảo hiểm truyền thống, đã đóng phí từ 5 năm trở lên, giờ cũng đòi hủy hợp đồng với lý do tư vấn sai…
Trao đổi với phóng viên, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn có trụ sở tại TP.HCM cho biết, thời gian qua, công ty tiếp nhận đơn khiếu nại của khách hàng tham gia hợp đồng qua ngân hàng từ đầu năm 2019, nay yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm và hoàn phí vì cho rằng cán bộ ngân hàng tư vấn sai, lừa khách hàng tham gia bảo hiểm. Trong khi đó, kiểm tra lại lịch sử giao dịch thì phát hiện hợp đồng bảo hiểm của khách hàng này đã có 4 lần gửi yêu cầu bảo hiểm và được công ty chi trả quyền lợi bảo hiểm trong các lần này.
Một trường hợp khác khiến công ty bảo hiểm “dở khóc dở cười” khi khách hàng đã đòi hủy hợp đồng rồi lại rút đơn hủy để được nhận chi trả bảo hiểm cho bệnh hiểm nghèo. Cụ thể, năm 2022, một khách hàng tham gia gửi tiết kiệm và được tặng gói bảo vệ nhân thọ trị giá bảo vệ hơn 4 tỷ đồng. Lịch sử giao dịch cho thấy, khách hàng vẫn đóng phí tham gia bảo hiểm trong năm thứ hai, nhưng khi lùm xùm liên quan tới bán bảo hiểm qua ngân hàng diễn ra, khách hàng nộp đơn khiếu nại đại lý tư vấn sai và yêu cầu công ty hoàn phí bảo hiểm. Sau quá trình điều tra, khi công ty bảo hiểm chuẩn bị hẹn gặp để đối chất thì khách hàng nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bệnh lý nghiêm trọng và xin được hủy khiếu nại để được chi trả quyền lợi liên quan. Cuối cùng, công ty bảo hiểm vẫn chấp thuận khoản thanh toán bệnh lý nghiêm trọng cho quyền lợi này.
Đại diện một công ty bảo hiểm trong nhóm dẫn đầu thị trường không bán bảo hiểm nhiều qua ngân hàng cho biết, công ty cũng nhận được thông tin một số khách hàng tại chi nhánh yêu cầu hủy hợp đồng và đòi lại phí đã đóng. Đi tìm hiểu nguyên do vì sao lại hủy hợp đồng đã đóng phí nhiều năm và không liên quan gì đến dòng sản phẩm bảo hiểm đầu tư thì khách hàng chỉ nói chung chung là không được tư vấn đầy đủ nên giờ muốn hủy. Những trường hợp như vậy công ty bảo hiểm không có cơ sở để thực hiện hủy hợp đồng theo yêu cầu của khách hàng.
Hợp đồng bảo hiểm như giấy đăng ký kết hôn, cả hai bên cùng phải tìm hiểu
Duy trì hợp đồng bảo hiểm lâu dài là cách để khách hàng được bảo vệ liên tục và không gián đoạn, giảm nguy cơ bị từ chối tham gia bảo hiểm khi lớn tuổi hoặc có dấu hiệu rủi ro về sức khoẻ.
Theo TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, việc khách hàng tham gia bảo hiểm nhân sự cố vừa qua đòi hủy hợp đồng và yêu cầu được hoàn tiền không chỉ gây áp lực lên công ty bảo hiểm, mà còn khiến chính mình gặp bất lợi.
Ông Ánh cho rằng, sự cố ngành bảo hiểm vừa qua, thẳng thắn mà nói có phần trách nhiệm của khách hàng. Nếu ví hợp đồng bảo hiểm như giấy đăng ký kết hôn thì phải cả hai bên đồng ý đến với nhau, đồng thuận gắn bó với nhau và cùng ký đơn thì chính quyền mới cấp giấy chứng nhận đăng ký hôn nhân. Muốn vậy, cả hai phải tìm hiểu kỹ về nhau trước khi kết hôn. Cũng như loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư, khi kinh tế khó khăn, khoản đầu tư này không có lãi, thậm chí thua lỗ là bình thường. Do đó, khách hàng cần chủ động tìm hiểu về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, về quyền lợi, trách nhiệm của mình, đặc biệt là quy định của từng điều khoản hợp đồng. Điều khoản nào không hiểu rõ thì yêu cầu đại lý, công ty bảo hiểm hoặc luật sư làm rõ.
Được biết, trước đó, nhằm tránh trường hợp khách hàng không nắm bắt hết các thông tin dẫn tới e ngại mà yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm giữa chừng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã cùng với các công ty bảo hiểm liên tiếp tổ chức các chương trình chia sẻ thông tin, các buổi tọa đàm… để giải thích rõ hơn về những nội dung trọng yếu trong hợp đồng bảo hiểm, cũng như cảnh báo những hệ lụy do việc dừng đóng phí, hủy ngang mang lại.
Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV, khách hàng cần hiểu rằng, nếu hủy hợp đồng bảo hiểm trước thời gian đáo hạn, công ty bảo hiểm sẽ không thể hoàn lại toàn bộ số phí đã đóng ban đầu cho khách hàng, mà chỉ có thể hoàn lại giá trị tài khoản tính đến thời điểm thực hiện yêu cầu hủy hợp đồng. Nếu hủy hợp đồng bảo hiểm trong 2-3 năm đầu tiên, khách hàng sẽ chịu tổn thất lớn về tài chính bởi các loại phí liên quan đến quản lý hợp đồng thường khá cao vào những năm đầu và giảm dần các năm về sau. Chính vì vậy, duy trì hợp đồng bảo hiểm lâu dài là cách để khách hàng được bảo vệ liên tục và không gián đoạn, giảm nguy cơ bị từ chối tham gia bảo hiểm khi lớn tuổi hoặc có dấu hiệu rủi ro về sức khoẻ.