Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.500 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113.400 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ.
Còn theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh thu khai thác mới giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu như giai đoạn từ năm 2011 – 2018, thị trường bảo hiểm nhân thọ luôn giữ được đà tăng trưởng ổn định, có những năm tăng trưởng trên 30% thì từ năm 2019 tới nay, tốc độ tăng trưởng của khối này chậm lại đáng kể. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí mới của khối này là 21 – 22%, năm 2020 xuống dưới 20%, năm 2021 đạt hơn 18% và đến năm 2022, tăng trưởng phí mới chỉ còn gần 3%. Tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ giảm tốc có lý do quan trọng là ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Việc tăng trưởng âm kéo dài gần 1 năm qua của khối nhân thọ là sự cộng hưởng của hệ lụy từ giai đoạn dài tăng trưởng “nóng”, khiến nhiều công ty bảo hiểm không kiểm soát được đội ngũ bán hàng, để xảy ra một số vụ việc bán bảo hiểm gây tai tiếng và bối cảnh nền kinh tế ngày càng khó khăn hơn.
Khó có thể đưa ra dự báo bao giờ doanh thu phí mới của bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng trưởng trở lại, nhưng theo nhận định của các doanh nghiệp, sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu cho sự tăng trưởng của ngành bảo hiểm.
Tất nhiên, vì tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ còn rất thấp và khách hàng vẫn có nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ này nên ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng. Nhưng để ngành này trở lại thời hoàng kim như trước là rất khó.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm trong Top đầu thị trường nhìn nhận rằng, thị trường bảo hiểm sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là động thái kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh bảo hiểm từ cơ quan quản lý, cho nên, việc tăng trưởng và đạt lợi nhuận cao với các công ty bảo hiểm không còn dễ dàng như trước. Những công ty bảo hiểm tiếp tục trả nhiều chi phí cho ngân hàng hay bỏ tiền ra “mua” đại lý của công ty bạn như trước đây sẽ cầm chắc thua lỗ. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải cẩn trọng và quan tâm tới chất lượng, hiệu quả kinh doanh hơn nữa.
Được biết, một số công ty bảo hiểm nhân thọ hiện đang phải “dọn dẹp”, tái cấu trúc cho phù hợp với tình hình mới. Việc tinh giản bộ máy, cắt giảm chi phí đang được thực hiện rất quyết liệt. Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường tương tác với khách hàng, cải tiến sản phẩm và chất lượng dịch vụ một cách mạnh mẽ hơn… Các khâu thẩm định, bồi thường bảo hiểm cũng được thực hiện nhanh chóng hơn trước.
Trước đó, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TCA cho rằng, để thị trường bảo hiểm bớt đìu hiu, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các bên liên quan cần thực hiện ngay một số giải pháp:
Thứ nhất, tỷ lệ duy trì hợp đồng phải được công ty bảo hiểm đo lường và nếu dưới một mức nhất định, công ty không được phép mở rộng lực lượng bán hàng của mình (cho cả ngân hàng hoặc tổ chức đại lý);
Thứ hai, nên đo lường mức độ hài lòng của khách hàng (và chất lượng tư vấn) với tỷ lệ yêu cầu bồi thường được thanh toán trên yêu cầu bồi thường. Nếu tỷ lệ này giảm xuống dưới 95% (Úc, Mỹ, Anh, Canada… đều áp dụng tỷ lệ này làm thước đo chất lượng tư vấn) có nghĩa là khách hàng chưa được tư vấn đúng, hoặc dịch vụ yêu cầu bồi thường của công ty bảo hiểm kém và công ty bảo hiểm đó không được phép mở rộng quy mô hoạt động cho đến khi vấn đề này được giải quyết;
Thứ ba, phải thay đổi cách tính phí sản phẩm. Các sản phẩm hiện tại có mức phí rất cao, nên hợp đồng không có giá trị còn lại, ngay cả khi khách hàng trả phí trong 3 năm đầu của hợp đồng. Điều này phải thay đổi để cho phép khách hàng lấy lại một phần đáng kể phí đã trả bắt đầu từ năm hợp đồng thứ nhất…