Liên hệ tư vấn
tuvan@nhantho.net
0949 789 222
Back

“Sao đổi ngôi” có thể sẽ xuất hiện

Năm 2023, thị trường bảo hiểm chứng kiến nhiều “nỗi đau”, về cả tinh thần (niềm tin) và vật chất (doanh thu). Là diễn giả bảo hiểm uy tín lâu năm, có sức ảnh hưởng đến không ít đại lý, ông có nhận xét gì?

Ước tính đến hết tháng 11/2023 của Bộ Tài chính, tổng doanh thu thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tăng 31,1% so với cùng kỳ, đạt 86.467 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2023, tổng chi trả quyền lợi là 45.000 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ và cao hơn cả năm 2022 (40.600 tỷ đồng).

Điều này cho thấy, có thể có khách hàng mất niềm tin, nhưng đa số khách hàng vẫn lấy được tiền bảo hiểm (được chi trả quyền lợi bảo hiểm) như bình thường. Những người “dị ứng” với bảo hiểm nên nhìn vào con số chi trả quyền lợi bảo hiểm để hiểu hơn về bảo hiểm, về những giá trị mà thị trường này mang lại.

Ông Hoàng Gia Phong - diễn giả bảo hiểm

Ông Hoàng Gia Phong – diễn giả bảo hiểm

Và vẫn còn không ít những điển hình của đội ngũ kinh doanh, những người tư vấn bán bảo hiểm chuyên nghiệp, họ không chỉ đơn thuần là người bán bảo hiểm, mà còn là người luôn có ý thức bảo vệ khách hàng.

Tất nhiên, nhiều nơi, nhiều người làm sai, đặc biệt là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), đã và đang bị chấn chỉnh, bị thanh tra gắt gao.

Phải chăng, sự cố mang tên bancassurance cùng một loạt “lùm xùm” trên mạng xã hội đã “đánh bay” những nỗ lực củng cố niềm tin của thị trường bảo hiểm trước đó?

Tất cả các ngân hàng có hợp tác với công ty bảo hiểm để bán chéo bảo hiểm đều bị thanh tra. Một ngân hàng bị phát hiện vi phạm nhiều nhất là SCB và hậu quả lan từ thị trường bảo hiểm sang thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng này.

Tuy có những sai phạm trong kênh bancassurance, nhưng chỉ một số ngân hàng làm sai, một số hợp đồng được ký kết qua kênh này có vấn đề. Nhiều hợp đồng bảo hiểm được ký kết theo quy định, dựa trên nhu cầu thật của cả hai bên và mang lại quyền lợi chi trả bảo hiểm khi không may xảy ra sự cố.

Mặt khác, kênh bancassurance chỉ chiếm 25% doanh thu khai thác mới của toàn ngành, tức là 75% doanh thu khai thác mới vẫn do mảng truyền thống (đại lý bảo hiểm cá nhân) tạo ra, nên doanh thu phí bảo hiểm được tái tục hàng năm vẫn rất lớn, bởi tính chất phí chồng phí của ngành hơn 20 năm qua.

Như đã nói ở trên, điều đáng quan tâm là tổng số tiền chi trả bảo hiểm năm nay tăng mạnh, minh chứng các khách hàng tham gia công ty bảo hiểm chuẩn, đại lý chuẩn vẫn được đảm bảo quyền lợi.

Tất nhiên, trải qua một năm nhiều “giông bão”, cảm nhận chung về thị trường của tôi là “đau lòng”.

Lần đầu tiên sau gần 10 năm, thị trường bảo hiểm Việt Nam (gồm bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ) năm 2023 ghi nhận tổng doanh thu tính đến hết tháng 11 giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022. Sự suy giảm này là do mảng bảo hiểm nhân thọ, vốn chiếm tỷ trọng 70% tổng doanh thu, còn mảng phi nhân thọ vẫn tăng 2%.

Đáng lưu ý, khi làm không chuẩn, dẫn đến mất niềm tin, thị trường có thể bị ảnh hưởng mạnh và kéo dài vì việc này thường có độ trễ. Ngay cả các công ty bảo hiểm Top 5 gồm Bảo Việt Nhân thọ, Prudental, Manulife, Dai-ichi, AIA cũng đã ghi nhận lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 giảm 30 – 40% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể “độ trễ” ở đây là gì?

Không thể lấy được thị phần một khi tất cả đều khỏe mạnh, cơ hội chỉ đến khi kẻ khác bị suy yếu.

Nghĩa là những vụ “lùm xùm” về bảo hiểm xuất hiện từ đầu năm 2023, nhưng đến gần cuối năm mới phản ánh hết, rõ nét nhất là vào kết quả kinh doanh. “Lùm xùm” bắt nguồn từ SCB, rồi đến một số doanh nghiệp bảo hiểm hợp tác trực tiếp với ngân hàng này. Có những đơn khiếu nại, tố cáo, bao gồm đơn tố cáo tập thể được gửi tới Bộ Tài chính và Cơ quan Cảnh sát điều tra. Sau đó là sự “lên sóng” (livestream) của một số người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, với những phát ngôn dựa trên thông tin chưa chính xác, chưa tìm hiểu thấu đáo, hiểu sai vấn đề.

Các livestream đó lan tỏa khủng khiếp như livestream về hợp đồng sản phẩm liên kết chung của một công ty bảo hiểm trong một đêm mà có cả trăm ngàn lượt chia sẻ, dù thông tin đưa ra không chính xác, gây tâm lý bất an trên diện rộng, dẫn tới nhiều hợp đồng bị hủy. Tình trạng hủy hợp đồng này làm cho tổng doanh thu toàn ngành suy giảm vì liên quan đến phí tái tục. Kết quả kinh doanh của công ty bảo hiểm đó nói riêng, toàn ngành nói chung nhiều khả năng tiếp tục bị ảnh hưởng trong quý cuối năm nay.

“Độ trễ” còn thể hiện ở khả năng tăng trưởng trở lại của thị trường cần thời gian lâu hơn. Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, nhưng lấy lại niềm tin, lấy lại tốc độ tăng trưởng cao như trước đây là không dễ trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, trong lúc khủng hoảng như vậy, thị trường bảo hiểm có thể xuất hiện các “cú lộn” ngoạn mục, tạo ra các “sao đổi ngôi”, giống như từng xảy ra với thị trường ô tô.

Ông có thể nói rõ hơn về “sao đổi ngôi”?

Năm 2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, bắt đầu từ Mỹ với sự khởi phát là việc tuyên bố phá sản một ngân hàng lâu đời nhất nước này là Lehman Brothers, kéo theo hàng trăm nhà băng tuyên bố phá sản, hàng chục triệu người Mỹ thất nghiệp. Nhiều hãng xe lớn như GM, Gerard Butler, Chrysler cũng tuyên bố phá sản. Không thể tưởng tượng được các hãng chiếm thị phần lớn trên toàn cầu như vậy lại phá sản.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp với các nhân sự cấp cao và nhấn mạnh: “Chúng ta không thể lấy được thị phần một khi tất cả đều khỏe mạnh, cơ hội chỉ đến khi kẻ khác bị suy yếu mà thôi”.

Ông chủ Hyundai cho rằng, khi một số “ông lớn” ô tô tuyên bố phá sản sẽ thừa ra miếng bánh thị phần và đây là thời cơ ngàn năm để Hyundai bước vào chiếm lĩnh. Ngay lập tức, ông tuyển dụng một loạt designer, những nhà thiết kế mẫu xe của Đức, sau đó thực hiện chính sách hạ giá, tấn công vào các thị trường tiềm năng, đặc biệt là Đông Âu, rồi tràn sang châu Á, trong đó có Việt Nam. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, Hyundai từ chỗ chỉ chiếm 3% thị phần ô tô toàn cầu đã tăng lên 5% và giữ vững cho đến nay. Đây là một “cú lộn” ngoạn mục, “sao đổi ngôi” ngoạn mục.

Vận dụng vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, thời gian tới có thể xuất hiện các “sao đổi ngôi”. Nếu các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là doanh nghiệp lớn đều kinh doanh đúng hướng, chuẩn mực, thì thị phần luôn được giữ chặt, khó có thể có cơ hội cho đối thủ giành giật thị phần.

Nhưng năm 2023, có nhiều “lùm xùm”, khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Ngay cả trước đó nhiều năm, bên cạnh những công ty bảo hiểm hoạt động lành mạnh, bán bảo hiểm bình thường thì đâu đó vẫn có những doanh nghiệp bảo hiểm chỉ vì cạnh tranh thiếu lành mạnh, mải chạy theo “số” nên đã có những bước đi lệch lạc, dẫn đến bị mất niềm tin.

Đơn cử, một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn liên tiếp “dính đòn” nặng, dẫn đến vỡ trận, đội ngũ nhân sự giỏi ra đi, doanh thu phí bảo hiểm sụt giảm, mất thị phần. Đây sẽ là cơ hội để cho những công ty bảo hiểm đối thủ ở ngay phía sau có dịp chớp thời cơ để vươn lên, lấp chỗ trống, để có được đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, chiếm lĩnh thị phần…

Nhưng đó phải là sự vươn lên một cách chính trực, bằng thực lực, chứ không phải cạnh tranh bằng cách lôi kéo nhân sự của đối thủ, dùng chính sách thưởng tiền để “câu nhử”, đổi tiền lấy doanh số (thưởng doanh số cao, dẫn đến cuộc chạy đua theo doanh số, bất chấp chất lượng). Vì như thế, thị phần này sẽ không bền vững, nhiều khả năng sẽ rơi rụng dần, nên nếu biết chớp thời cơ đồng nghĩa với “sao đổi ngôi” xuất hiện. Như trên đã nói, không thể lấy được thị phần một khi tất cả đều khỏe mạnh, cơ hội chỉ đến khi kẻ khác bị suy yếu. Còn với doanh nghiệp bảo hiểm bị suy yếu, mất thị phần như một doanh nghiệp bảo hiểm lớn, nếu vươn lên bằng thực lực, cũng sẽ lại có thể trở thành “sao đổi ngôi”.

Source

nhantho.net
nhantho.net
https://nhantho.net

Chia sẻ ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *