Liên hệ tư vấn
tuvan@nhantho.net
0949 789 222
Back

“Vua tiền mặt” thấp thỏm

 Việc mặt bằng lãi suất “phá đáy” đang khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ “đứng ngồi không yên” vì doanh thu từ tiền gửi sẽ giảm mạnh, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2024.

Lợi nhuận tăng nhờ đầu tư

Bảo hiểm Agribank (ABIC) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 2.018,4 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022; lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm đạt 716,9 tỷ đồng, tăng 18,9%. Trừ đi các chi phí, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2023 của ABIC đạt 308 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước.

Với lượng tiền gửi lớn, năm 2023, lãi tiền gửi có kỳ hạn của ABIC đạt 172,2 tỷ đồng, tăng 30,7%. Công ty cũng sở hữu 110,7 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, nhận lãi tiền gửi không kỳ hạn 319,8 triệu đồng.

Báo cáo sơ bộ của một công ty bảo hiểm trong Top 10 doanh nghiệp có thị phần doanh thu phí lớn nhất thị trường cũng hé lộ bức tranh đầu tư tài chính khả quan trong năm 2023. Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính năm 2023 của doanh nghiệp này ước đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2022, qua đó mang lại lợi nhuận khoảng 230 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu đầu tư tiền gửi là gần 250 tỷ đồng, tăng 47%; doanh thu hoạt động đầu tư tài chính ngoài tiền gửi hơn 60 tỷ đồng…

Tại hội nghị tổng kết kết quả kinh doanh năm 2023, Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) cho biết, doanh thu ước đạt 6.461 tỷ đồng, tăng 2,35% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế ước đạt 375 tỷ đồng, tăng 9,41% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, thông tin từ Bảo hiểm BIDV (BIC) phát đi cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm Công ty mẹ BIC năm 2023 đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm trước và hoàn thành 104% kế hoạch cả năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc là trên 4.600 tỷ đồng, tăng gần 30%. Không chỉ doanh thu phí, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế cũng tăng mạnh 50%, đạt gần 580 tỷ đồng…

Hiện nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư, chứ không tới từ hiệu quả kinh doanh bảo hiểm gốc, nên việc pháp luật bảo hiểm “mở cửa” hơn cho hoạt động đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều nguồn lợi nhuận mới hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Với nguyên tắc bất di bất dịch “đầu tư sinh lời nhưng phải an toàn” nên phần lớn dòng tiền đầu tư của các hãng bảo hiểm chủ yếu tập trung vào kênh tiền gửi và trái phiếu chính phủ. Trong đó, với khối phi nhân thọ, khoảng 80% tiền được đem gửi tại các tổ chức tín dụng, 20% đầu tư khác, còn khối nhân thọ có cơ cấu danh mục đầu tư thường ở mức 50-50.

Vấn đề không chỉ là đầu tư để sinh lời

Các doanh nghiệp bảo hiểm luôn sở hữu một lượng lớn tiền mặt và theo quy định, phần lớn số tiền này sẽ được đầu tư vào những kênh an toàn như tiền gửi hay trái phiếu chính phủ. Vì thế, các quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành sẽ tác động trực tiếp lên khả năng sinh lời trên tổng tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm.

Lợi nhuận từ hoạt động tài chính có thể tác động mạnh lên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm là bởi các doanh nghiệp này luôn sở hữu một lượng lớn tiền mặt và theo quy định, phần lớn số tiền này sẽ được đầu tư vào những kênh an toàn như tiền gửi hay trái phiếu chính phủ. Vì thế, các quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành từ ngân hàng trung ương sẽ tác động trực tiếp lên khả năng sinh lời trên tổng tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm. Với lợi thế về lượng tiền mặt ròng, các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung và doanh nghiệp phi nhân thọ nói riêng sẽ trực tiếp hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất huy động tăng và ngược lại.

Trên thực tế, thời điểm cuối năm 2022 – đầu năm 2023, lãi suất ngân hàng tăng cao giúp các doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng lợi. Tuy nhiên, lãi suất đã nhanh chóng hạ nhiệt trong những tháng cuối năm 2023 và dự báo tiếp tục duy trì mặt bằng thấp trong năm 2024, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Theo tính toán của một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Top 10 doanh thu phí, với xu hướng giảm mạnh của lãi suất ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng “Big 4”, doanh thu đầu tư tiền gửi năm 2024 của hãng bảo hiểm này sẽ sụt giảm khoảng 30% so với năm 2023. Cũng như nhiều công ty bảo hiểm khác, hãng bảo hiểm này đang “đau đầu” tìm kiếm các tổ chức tín dụng có mức lãi suất tốt, phù hợp từng thời điểm đầu tư nhằm đem lại hiệu quả cao nhất, cũng như tính toán phương án đầu tư khác để tối ưu hóa nguồn vốn.

Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, kể từ năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm được tự do kinh doanh, đầu tư, ngoài những lĩnh vực bị cấm hay hạn chế đầu tư. Cụ thể, đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, từ năm 2023 sẽ không cấm đầu tư ra nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện về tài chính và quản lý ngoại hối. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập hoặc góp vốn thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài; mua bán chứng khoán, các giấy tờ có giá hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài… Song, để bảo đảm an toàn, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, trong mỗi lĩnh vực, doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư một tỷ lệ cụ thể để phân tán rủi ro, tránh trường hợp “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Dù “sân chơi” thông thoáng hơn giúp các doanh nghiệp bảo hiểm có nhiều cơ hội hơn trong việc tối đa hóa lợi nhuận, nhưng vấn đề của các doanh nghiệp vốn được mệnh danh là “vua tiền mặt” này không chỉ là bài toán đầu tư vào đâu để sinh lợi.

Kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo khảo sát từ các nhà kinh tế, nền kinh tế toàn cầu chưa thoát đà suy thoái trong năm 2024, cho dù mức độ không mạnh như năm 2023 và điều này có thể tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm mới của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trong khi đó, nội tại ngành cũng còn đối mặt với nhiều thách thức khác. Chẳng hạn, với lĩnh vực phi nhân thọ, bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ xương sống, thường chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu đang gặp nhiều khó khăn do giá xe liên tục giảm, sức cầu thị trường yếu.

Bên cạnh đó, quy định mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được tăng/giảm 25% biểu phí, nhưng trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt thì điều kiện giảm phí cũng ảnh hưởng tới doanh thu bảo hiểm.

Ngoài ra, theo phân tích của Bộ phận Nghiên cứu hàng hóa toàn cầu Citigroup, giá dầu thế giới năm 2024 dự báo giảm mạnh. Theo đó, doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có thể sẽ sụt giảm tương ứng…

Nhìn vào các dự báo thì bức tranh ngành bảo hiểm năm 2024 dường như vẫn chưa có nhiều gam màu sáng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không quá bi quan bởi trong năm qua, thị trường bảo hiểm đối mặt với khó khăn được cho là chưa từng có từ trước tới nay, song đa phần doanh nghiệp khối phi nhân thọ vẫn hoàn thành chỉ tiêu đề ra, lợi nhuận vẫn tăng trưởng… cho thấy khả năng ứng phó, xoay trở trong khó khăn cũng như nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp khối này.

Hơn nữa, có thể thấy một xu hướng chuyển dịch rõ nét của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ (bảo hiểm nhân thọ cũng không ngoại lệ) hiện nay là tập trung vào hiệu quả nên năm 2024 sẽ là năm các chiến lược tối ưu hóa chi phí, gia tăng hiệu quả hoạt động… triển khai từ những năm trước phát huy tác dụng.

Nguồn bài viết

nhantho.net
nhantho.net
https://nhantho.net

Chia sẻ ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *