Cụ thể, tại khối phi nhân thọ, cơ quan quản lý sẽ thanh – kiểm tra 8 doanh nghiệp trong chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), Bảo hiểm Quân đội (MIC), Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), Bảo hiểm BIDV (BIC), Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Xuân Thành và Bảo hiểm Bảo Việt.
Khối nhân thọ sẽ thanh – kiểm tra 2 doanh nghiệp là Hanwha Life Việt Nam và Shinhan Life Việt Nam về việc tuân thủ quy định pháp luật trong hợp tác bán bảo hiểm nhân thọ qua tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Đối với khối môi giới bảo hiểm, 4 doanh nghiệp thuộc diện thanh – kiểm tra gồm Công ty cổ phần Môi giới bảo hiểm Medici, Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Willis Towers Watson Việt Nam, Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Wellbe Việt Nam và Công ty cổ phần Môi giới bảo hiểm Integer, nội dung về thực hiện quy định pháp luật đối với hoạt động môi giới bảo hiểm, hoạt động phụ trợ bảo hiểm (nếu có) và công tác quản lý vốn, tài sản, doanh thu tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ tăng cường đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm theo định kỳ, kịp thời phát hiện sai phạm để báo cáo Bộ Tài chính có phương án xử lý.
Theo giới quan sát, năm 2023 được xem là năm đặc biệt bận rộn của cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm và ngân hàng khi kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) xảy ra nhiều khiếu nại, khiếu kiện.
Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra vào đầu tháng 10/2023 của Bộ Tài chính, ông Doãn Thanh Tuấn – Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm thông tin, cơ quan này đã hoàn thành việc thanh tra tại 2 doanh nghiệp nhân thọ là AIA, Dai-ichi Life và đang thanh tra Manulife cùng một doanh nghiệp khác. Đây là 10 doanh nghiệp nhân thọ thuộc diện thanh tra năm 2023 của cơ quan này.
Có ý kiến cho rằng, bên cạnh tăng cường thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cơ quan quản lý cần sớm công khai đầy đủ kết luận thanh tra để kịp thời “nắn” doanh nghiệp đi đúng hướng khi có sai phạm.
Theo Nghị định 43/2023/NĐ-CP, kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật Nhà nước. Việc đăng tải kết luận thanh tra trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra phải được thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục. Ngoài ra, kết luận thanh tra có thể được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm báo in, báo điện tử…) ít nhất 2 lần liên tục. Việc thông báo trên các báo điện tử phải thực hiện ít nhất trong15 ngày liên tục.
“Cũng có ý kiến đề xuất trao thêm quyền thanh tra cho Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, chẳng hạn được phép thanh tra, kiểm tra các ngân hàng có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm, chứ không chỉ riêng công ty bảo hiểm. Có như vậy thì mới đảm bảo tính tuân thủ của cả ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm trong việc kinh doanh đại lý bảo hiểm”, luật sư Ngô Thị Thu Hà – Đoàn luật sư TP.HCM nói.
Ngày 30/6/2023, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp nhân thọ gồm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife và MB Ageas. Khi đó, lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, về chuyên môn, cơ bản các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định pháp luật, nhưng lại mắc nhiều sai phạm về tài chính như chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm; chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm; chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm… và đặc biệt, nhân viên ngân hàng và đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm.
Từ đó, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp trên bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp do hạch toán chi phí chưa đúng quy định. Cụ thể, số tiền Prudential phải bổ sung 700 tỷ đồng, Sun Life hơn 600 tỷ đồng, BIDV Metlife là 174 tỷ đồng và MB Ageas là 2,5 tỷ đồng.