Liên hệ tư vấn
tuvan@nhantho.net
0949 789 222
Back

Không cấm hoàn toàn ngân hàng bán bảo hiểm “bia kèm lạc”

 Hành vi nghiêm cấm ngân hàng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tạo ra những cách hiểu khác nhau. Báo Đầu tư Chứng khoán có cuộc trao đổi với luật sư Đỗ Hồng Sơn – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, Đoàn luật sư TP. Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Quy định trên đang được hiểu theo nghĩa là cấm ngân hàng “ép” người vay tiền mua bảo hiểm nhân thọ, còn theo cách hiểu của ông thì sao?

Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi mới được thông qua (ngày 18/1/2024), Điều 15 quy định các hành vi bị nghiêm cấm nêu rõ: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.

Quy định trên theo tôi được hiểu là ngân hàng, tổ chức tín dụng cùng các nhân sự của ngân hàng, tổ chức tín dụng khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, tổ chức tín dụng thì không được gắn với việc bán các sản phẩm bảo hiểm không thuộc diện bắt buộc được bán.

Nghĩa là, ngân hàng chỉ được chủ động cho khách hàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm thuộc diện bắt buộc phải mua. Theo quy định tại Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, các sản phẩm bảo hiểm thuộc diện bắt buộc phải mua là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm bắt buộc xây dựng, bảo hiểm bắt buộc cháy nổ. Còn với những sản phẩm bảo hiểm không thuộc diện bắt buộc phải mua như bảo hiểm nhân thọ thì ngân hàng không được tự ý cho khách hàng tiếp cận.

Liên quan đến động thái được gọi là “ép” mua bảo hiểm, tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, không phải cứ rơi vào cảnh khách hàng không muốn mua bảo hiểm, mà chỉ mua để được giải ngân tiền vay bị coi là “ép”, cũng không phải cứ khách hàng đang cần tiền và được cho vay theo kiểu “bia kèm lạc” thì gọi đó là “ép” và không phải cứ người đi vay phải mua những loại bảo hiểm không liên quan là trái quy định. Ngân hàng là tổ chức cho vay tìm cách để khách hàng mua thêm bảo hiểm không thuộc diện bắt buộc phải mua thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật, nhưng không có nghĩa là gắn họ với cái mác “ép” mua bảo hiểm.

Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng vướng nhiều lùm xùm thời gian qua
Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng vướng nhiều lùm xùm thời gian qua

Khái niệm “ép” hay “cưỡng ép” được hiểu theo nghĩa là “sử dụng sức mạnh vật chất hoặc tinh thần một cách bất hợp pháp, hoặc buộc người khác phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc trái với ý chí hay mong muốn của họ”. Nếu hiểu theo khái niệm này thì rất khó để xác định bên cho vay là ngân hàng đã “cưỡng ép” khách hàng vì hợp đồng bảo hiểm là do khách hàng tự kê khai thông tin với doanh nghiệp bảo hiểm, tự tay ký, tự làm các thủ tục nộp phí… Khi khách hàng tự ký mà không có bất kỳ hành vi cưỡng ép nào về vật chất hay tinh thần, chẳng hạn việc dùng vũ lực của bên bán bảo hiểm, thì khó có thể coi đây là hành vi cưỡng ép.

Vậy những tờ rơi, quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của các công ty bảo hiểm vẫn được đặt tại quầy giao dịch của các ngân hàng thì sao, có được phép tiếp tục trưng bày?

Ngân hàng là tổ chức cho vay tìm cách để khách hàng mua thêm bảo hiểm không thuộc diện bắt buộc phải mua thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật, nhưng không có nghĩa là gắn họ với cái mác “ép” mua bảo hiểm.

Tháng 11/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, trong đó nêu rõ, mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng phải có quầy/bàn giao dịch riêng để tư vấn, bán bảo hiểm. Khu vực này tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Do đó, những tờ rơi, quảng cáo chứa đựng thông tin về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của công ty bảo hiểm hoàn toàn được phép trưng bày ở khu vực độc lập, riêng biệt là những bàn/quầy giao dịch này. Thực tế, trước đây, về nguyên tắc, những sản phẩm bảo hiểm không thuộc diện bắt buộc phải mua đều không được phép ép mua, dù mua qua bất kỳ kênh nào, từ ngân hàng đến các đại lý khác.

Thông tư 67 cũng cấm ngân hàng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay, trong khi đây chỉ là một trong những sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (bao gồm nhiều sản phẩm khác như bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hỗn hợp bảo hiểm hưu trí…). Vì vậy, quy định này từng gây ra lo ngại về việc ngân hàng có thể “lách” luật để bán bảo hiểm mà không lo vướng sai phạm, vì thế mới có ý kiến đề xuất cần cấm bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nói chung đi kèm với các gói vay, chứ không riêng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Hiện tại, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã quy định chặt chẽ hơn, tránh tình trạng “lách” luật của một số ngân hàng trong hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Vậy có thể hiểu là quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã chính thức nghiêm cấm ngân hàng bán bảo hiểm “bia kèm lạc”?

Không hẳn vậy. Như đã đề cập ở trên, quy định mới chỉ cấm ngân hàng bán kèm những sản phẩm không thuộc diện bắt buộc phải mua, chứ không cấm hoàn toàn việc ngân hàng bán bảo hiểm theo kiểu “bia kèm lạc”, còn những sản phẩm bắt buộc phải mua thì vẫn được tiếp cận, được bán như bình thường. Tại Điều 113 của luật này, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Không phải đến nay, mà trước đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã nghiêm cấm hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm. Quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng cấm việc bán kèm các sản phẩm không bắt buộc phải mua. Ông có thể phân tích rõ hơn?

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023), quy định tại Điều 9 nêu rõ, một trong các hành vi bị cấm là “đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Quy định này nghiêm cấm hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm đối với mọi chủ thể, mọi kênh đại lý, bao gồm cả ngân hàng. Ngân hàng chỉ là một trong số các kênh đại lý bán bảo hiểm.

Còn quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi ở khía cạnh rộng hơn, nghĩa là cấm các ngân hàng khi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thì không được phép cho khách hàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm không thuộc diện bắt buộc dưới mọi hình thức ngay từ khâu đầu tiên là khâu chào mời trực tiếp, đến các hình thức gián tiếp như gửi tin nhắn, điện thoại, email… Quy định này sẽ giúp hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng được quản lý chặt chẽ hơn, giúp minh bạch thị trường bảo hiểm, người dân hiểu đúng hơn về bảo hiểm.

Nguồn bài viết

nhantho.net
nhantho.net
https://nhantho.net

Chia sẻ ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *