Liên hệ tư vấn
tuvan@nhantho.net
0949 789 222
Back

Ngành bảo hiểm nhìn lại và bước tới

 Năm 2023 có thể nói là một năm hết sức khó khăn đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam. Song, nhìn nhận ở góc độ tích cực có thể thấy những thay đổi đáng kể về quan điểm, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là dấu hiệu của một cuộc “tự tái cơ cấu” để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Nhìn lại chu kỳ 10 năm

Thực tế, 2023 không phải năm đầu tiên ngành bảo hiểm trải qua cuộc suy thoái. Nhìn lại chặng đường phát triển 10 năm trước sẽ thấy, thị trường bảo hiểm cũng đã trải qua một cuộc khủng hoảng do suy thoái kinh tế vào năm 2013. Dù không hoàn toàn giống nhau về nguyên nhân và mức độ thiệt hại, nhưng cả hai cuộc suy thoái đều để lại cho các doanh nghiệp những bài học đắt giá.

Mười năm trước, kinh tế – xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức: Hàng tồn kho ở mức cao, tín dụng tăng trưởng chậm và nền kinh tế khó hấp thụ vốn. Nhiều doanh nghiệp sau thời gian cố gắng cầm cự trong năm 2012 thì bước sang năm 2013 đã cạn kiệt nguồn lực dẫn đến tình trạng hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hàng tháng lên tới hàng nghìn doanh nghiệp, số mới thành lập tuy có nhỉnh hơn nhưng quy mô tài sản, nguồn vốn, năng lực sản xuất- kinh doanh còn thấp. Diễn biến này ảnh hưởng đến nhu cầu bảo hiểm phi nhân thọ cho những tài sản tăng thêm do xây dựng mới, mở rộng sản xuất – kinh doanh giảm sút đáng kể. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu bảo hiểm nhưng không đủ năng lực tài chính đóng phí và không vay được ngân hàng thanh toán phí bảo hiểm…

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, năm 2013, tổng doanh thu bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 47.010 tỷ đồng, tăng trưởng 14%. Trong đó, lĩnh vực nhân thọ ước đạt 22.650 tỷ đồng, tăng trưởng 23%; lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 24.360 tỷ đồng, tăng trưởng 7%. Đầu tư vào nền kinh tế quốc dân đạt 105.340 tỷ đồng, tăng trưởng 17,6%.

Thời điểm đó, dù tăng 7%, nhưng năm 2013 được đánh giá là năm ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất của khối phi nhân thọ từ năm 1993. Trái lại, với khối nhân thọ, đây là năm tăng trưởng đột biến khi người dân có tiền lựa chọn tham gia bảo hiểm nhân thọ vừa có thể tích lũy, sinh lời, vừa có thể bảo vệ những rủi ro bất ngờ xảy ra…, trong bối cảnh kinh tế suy thoái khiến các kênh thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư như chứng khoán, bất động sản, tiền gửi ngân hàng, ngoại tệ, vàng… đều kém hấp dẫn.

Hiện tại, năm 2023 – tức là sau 10 năm, một lần nữa làn sóng suy thoái tác động tới toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế và nhóm doanh nghiệp bảo hiểm cũng không là ngoại lệ, nhưng lần này mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn bởi cùng thời điểm, ngành bảo hiểm còn hứng chịu thêm “cơn bão” khủng hoảng truyền thông.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11/2023, tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm đạt 203.845 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 63.807 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước đạt 140.038 tỷ đồng, giảm 11,6%.

Như vậy, trái ngược với cuộc suy thoái cách đây 10 năm, lần này, khối nhân thọ gánh chịu hậu quả nặng nề hơn và doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của khối này đến hết tháng 11/2023 ước giảm tới 40% (theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm).

Tuy nhiên, dù đối mặt khó khăn chưa từng có, ngành bảo hiểm vẫn ghi nhận những “điểm sáng”, đó là đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 757.652 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 13% so với cùng kỳ năm trước; chi trả quyền lợi bảo hiểm vẫn đảm bảo, ước đạt 79.500 tỷ đồng, tăng gần 30% cùng kỳ…

Ngoài ra, so với 10 năm trước, quy mô thị trường bảo hiểm tại Việt Nam hiện đã lớn hơn rất nhiều, doanh thu toàn thị trường tăng hơn 4 lần. Trong đó, doanh thu của bảo hiểm nhân thọ tăng hơn 6 lần, của bảo hiểm phi nhân thọ tăng hơn 2,6 lần. Các con số về tổng tài sản và đầu tư trở lại nền kinh tế cũng tăng trưởng tương ứng. Có thể thấy, ngành bảo hiểm sau 10 năm đã đạt được nhiều thành tựu và khi “thuyền lớn hơn” thì “ảnh hưởng của sóng” cũng nhiều hơn là điều dễ hiểu.

Đẩy mạnh tái cấu trúc, tăng cường quản trị rủi ro

Có thể thấy, ngành bảo hiểm sau 10 năm đã đạt được nhiều thành tựu và khi “thuyền lớn hơn” thì “ảnh hưởng của sóng” cũng nhiều hơn là điều dễ hiểu.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế – xã hội thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Sự phục hồi của kinh tế và cải thiện điều kiện sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đây là thách thức không nhỏ đối với sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm. Tuy vậy, ở mặt tích cực, trong bối cảnh khó khăn, tính cạnh tranh trên thị trường sẽ được đẩy lên cao hơn, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải đẩy mạnh phát triển cả về chiều sâu (nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm khách hàng…) lẫn chiều rộng (mở rộng tệp khách hàng, quy mô thị trường…) để khẳng định vị thế. Có thể, điều này sẽ thúc đẩy quá trình tái cấu trúc một cách tự nhiên, theo quy luật thị trường, từ đó giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Trong lần trao đổi với báo giới mới đây, ông Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, thị trường bảo hiểm đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất nên cần thêm thời gian để chuyển biến theo hướng tăng chiều sâu, tăng chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính hướng tới quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cập nhật và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để tăng tính răn đe, thượng tôn pháp luật”, ông Trung nói.

Ở góc độ quản trị, các doanh nghiệp bảo hiểm đã cẩn trọng hơn trong việc xác định thế mạnh thực sự của mình để lựa chọn chiến lược phát triển cân bằng hơn giữa sự hiệu quả, bền vững với tăng trưởng doanh thu, thị phần. Những khó khăn, thách thức từ kinh tế vĩ mô tiếp tục là môi trường “thử lửa”, buộc các doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối, bớt phụ thuộc vào các sản phẩm truyền thống vốn thiếu sự linh hoạt.

Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất trong cuộc tái cơ cấu lần này là doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng cường công tác quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn và bền vững. Những thay đổi này sẽ là cơ sở vững chắc để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh và đầu tư phù hợp, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

Theo các chuyên gia trong ngành, thời gian qua, việc khai thác mới bảo hiểm khó khăn hơn trước rất nhiều, nên khó tránh việc có nhiều đại lý/tư vấn viên bảo hiểm phải rời bỏ thị trường, song đây cũng là cơ hội với những người chủ động nhìn lại cách làm nghề và tìm hướng đi mới để vượt qua giai đoạn khó khăn này, tạo nền tảng để bùng nổ trở lại khi thị trường hồi phục.

“Chúng tôi tin rằng, chìa khoá thành công chính là hiệu quả hoạt động của đội ngũ đại lý, năng lực của các kênh phân phối và sự hài lòng của khách hàng. Chính vì thế, chiến lược hoạt động của chúng tôi luôn phải đảm bảo những giá trị này”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm thuộc tốp đầu thị trường cho hay.

Nguồn bài viết

nhantho.net
nhantho.net
https://nhantho.net

Chia sẻ ý kiến của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *